Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả cho người dân

2024-03-31 18:00:00.0

Khách hàng đến mua thuốc tại cửa hàng thuốc STH, đường Phù Liễn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên (Ảnh: Vietnamhoinhap.vn)

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 1.400 cơ sở kinh doanh dược hoạt động có giấy phép. Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về hành nghề dược; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn theo định kỳ cho các cơ sở; tập huấn phổ biến quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Nhìn chung, các cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với từng loại hình cụ thể theo quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, của tỉnh.

Năm 2023, ngành Y tế Thái Nguyên đã cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho 274 cá nhân; cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt quản lý nhà thuốc (GPP) cho 514 cơ sở; cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) cho 10 cơ sở; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho 382 cơ sở; công bố 8 cơ sở đáp ứng thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP); thu hồi 228 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; thu hồi 03 chứng chỉ hành nghề dược. Trong quý I/2024, ngành Y tế cấp mới Giấy phép hoạt động dược đối với 1 cơ sở; cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho 43 cá nhân; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 1 cơ sở; công bố đạt GSP 4 cơ sở; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện của 63 cơ sở kinh doanh dược; thu hồi 1 chứng chỉ hành nghề dược.

 

Để tiếp tục phát triển ngành Dược, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2023: Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% cơ sở bán lẻ thuốc đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP). Duy trì Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng thí nghiệm” (GLP) đối với hoạt động phân tích, kiểm nghiệm thuốc. 100% các cơ sở có hoạt động bảo quản, tồn trữ, cung ứng vắc xin và cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ đầy đủ “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 1 người/100 giường bệnh nội trú và 2 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày. Hoàn thành chuyển đổi số ngành dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia; đảm bảo duy trì 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến và được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành Dược. Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

Định hướng đến năm 2045, tiếp tục đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác kiểm soát chất lượng thuốc, phân phối thuốc, dược lâm sàng, thông tin thuốc và hoạt động cảnh giác dược. Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên các loại dược liệu quý, đặc hữu, có giá trị kinh tế, phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu, nhà máy sản xuất thuốc hóa dược, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hoặc chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao.

Thực hiện những mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai cơ chế chính sách, pháp luật về dược và văn bản có liên quan; phát triển quy hoạch ngành Dược; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành Dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả và kiến thức về sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho người bệnh và cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo về nhân lực và đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dược về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dược, hoạt động khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập trong lĩnh vực dược.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2872167