Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phú Lương: Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

2024-05-02 11:26:00.0

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP luôn được cấp ủy đảng, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chú trọng. Qua  đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân về vệ sinh ATTP và hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra quá trình lưu mẫu thực phẩm tại bếp ăn bán trú Trường mầm non xã Cổ Lũng

    Để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại hiệu quả cao, CBĐ liên ngành ATTP huyện và các xã, thị trấn thường xuyên được củng cố kiện toàn, hoạt động hiệu quả; chủ động xây dựng Kế hoạch, ban hành các văn bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, ngành thành viên triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm một cách kịp thời, theo quy định. Các ngành thành viên BCĐ huyện và các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP với nhiều hình thức phong phú như: Lồng ghép vào các Hội nghị, Hội thi, các buổi nói chuyện, tập huấn kiến thức cơ bản cho các đối tượng là người quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó từng bước đảm bảo chất lượng thực phẩm trên địa bàn huyện, tạo sự hưởng ứng tích cực trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; các cơ sở chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh ATTP. Tại thị trấn Đu, một trong những địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện đã chú trọng đến công tác này. Đồng chí Trần Đình Bẩy, Chủ tịch UBND thị trấn Đu chia sẻ: Chúng tôi cũng đã kiện toàn BCĐ an toàn thực phẩm của thị trấn, xây dựng Kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các cửa hàng tạp hóa khu vực cổng trường theo thẩm quyền. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở nếu phát hiện vi phạm các quy định của Nhà nước về ATTP. 

Các ngành thành viên BCĐ An toàn thực phẩm huyện phối hợp với thị trấn Đu kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thị trấn

      Bên cạnh đó, công tác kiểm tra cũng được tăng cường, đẩy mạnh, nhất là vào các đợt cao điểm trong năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 365 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài kiểm tra theo Kế hoạch, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện còn tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống và các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, huyện Phú Lương đã tổ chức 6 đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống; lập biên bản xử phạt hành chính đối với 19 cơ sở, các lỗi vi phạm như không đeo găng tay, đồ bảo hộ khi chế biến thực phẩm chín; dụng cụ đựng rác không có nắp đậy…
       Đặc biệt, huyện Phú Lương còn phối hợp với các sở ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý. Qua kiểm tra cơ bản các cơ sở đã đáp ứng các điều kiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm có đầy đủ hồ sơ giấy tờ theo quy định của pháp luật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác an toàn thực phẩm, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, huyện đã giao phòng chuyên môn tổ chức tiếp nhận và ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công thương quản lý. Đồng chí Nguyễn Duy Tuấn, Phó đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết: Qua kiểm tra hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng và được niêm yết giá bán tại các cửa hàng. 
          Ngoài kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống, huyện Phú Lương còn quan tâm chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường. Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người như: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Giấy Xác nhận kiến thức ATTP; Giấy Chứng nhận sức khỏe đối với người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; nhãn hàng hóa thực phẩm phục vụ cho chế biến thực phẩm; nguồn nước, nguồn nguyên liệu dùng cho chế biến thực phẩm; bếp ăn bố trí sắp xếp theo nguyên tắc một chiều; quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; hồ sơ kiểm thực ba bước, việc lưu mẫu thức ăn của cơ sở và các nội dung khác có liên quan. Với 28 trường Mầm non, Tiểu học và THCS có bếp ăn bán trú đều đã thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, 100% nhân viên y tế học đường các trường tổ chức ăn bán trúđược tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác vệ sinh môi trường, bếp ăn được các trường thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Cô giáo Bồ Thị Yến, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Cổ Lũng cho biết: Nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, các cô nuôi thực hiện các quy định về ATTP thông qua các Hội nghị, Hội thi, bảng biển. Hàng ngày nhà trường cùng đại diện cha mẹ học sinh, cô nuôi và bên cung cấp thực phẩm thực hiện kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào. Ngoài ra, nhà trường cũng đã được đầu tư công trình bếp ăn bán trú đảm bảo quy trình một chiều, có khu sơ chế thực phẩm, khu chế biến và khu vực chia thức ăn riêng biệt. 
       Cùng với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống, huyện Phú Lương cũng đã triển khai và làm tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có 5660 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm Nông lâm, thủy sản ký cam kết thực hiện đảm bảo ATTP. Với tiềm năng, lợi thế về cây chè,  và cây lúa, những năm qua huyện Phú Lương đã khuyến khích người dân quan tâm hơn đến việc áp KHKT vào trồng, chăm sóc, chế biến chè và cây lúa, như: Áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, đầu tư thay thế máy móc chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng tem nhãn, truy suất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện diện tích chè trên địa bàn huyện áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt 2.900 ha, chiếm 70,2% tổng diện tích chè toàn huyện; 82 ha lúa được chứng nhận Vietgap. Các mô hình THT, HTX đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ và người nông dân, bước đầu hình thành mô hình nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Toàn huyện đã có 5660 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm Nông lâm, thủy sản ký cam kết thực hiện đảm bảo ATTP

     Nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, huyện Phú Lương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các quy định về an ninh, ATTP để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản nắm rõ và thực hiện nghiêm các quy định về ATTP; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở, THT, HTX mở rộng vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững có chất lượng cao áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của huyện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh, ATTP; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng. 

Bài, ảnh: Phương Hảo



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2872835