Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

2024-02-20 10:56:00.0

 UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

SỞ VĂN HÓA,THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

 

 

LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ

ĐÌNH CÚC LÙNG

XÃ PHÚ ĐÔ, HUYỆN PHÚ LƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN

 

1.TÊN GỌI DI TÍCH

             Tên thường gọi: Đình Cúc Lùng                      

2.ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

a.Địa điểm di tích

Đình Cúc Lùng nằm trên địa phận xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Theo “Đồng Khánh địa dư chí[1], huyện hạt Phú Lương cách phủ lỵ 78 dặm về phía đông nam. Huyện gồm 6 tổng với 28 xã, trang, phường. Trong đó xã Phú Đô là 1 trong 7 xã thuộc tổng Sơn Cẩm, huyện Phú Lương.

Theo các sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, “Tên làng xã và địa giới các tỉnh Bắc Kỳ”, đình Cúc Lùng nằm trên địa bàn xóm Cúc Lùng thuộc xã Phú Đô, tổng Tức Tranh, huyện Phú Lương.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, huyện Phú Lương được tổ chức lại thành 10 xã:  Yên Trạch, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt, Phấn Mễ, Tân Phú, Vô Tranh, Cổ Lũng và Sơn Cẩm. Sau giảm tô (cuối năm 1954), huyện Phú Lương có 14 xã (do xã Hợp Thành chia thành 3 xã Hợp Thành, Phủ Lý, Tân Thành; xã Tân Phú chia thành 2 xã Tức Tranh và Phú Đô).

b.Đường đi đến di tích

          Từ đường tròn thành phố Thái Nguyên ta có thể đi đến di tích bằng 2 cách:

Cách 1: theo Quốc lộ 3 đi Bắc Kạn, khoảng 13 km, đến thị trấn Giang Tiên; đi tiếp 1km rồi rẽ phải vào đường liên xã Giang Tiên – Phú Đô – Núi Phấn khoảng 8km đến UBND xã Phú Đô. Từ đây, đi theo hướng đông bắc khoảng 3km đến ngã ba Pháng 2, tiếp tục đi 1,3km đến ngã ba Pháng 3; đi tiếp 1km đến ngã ba Tân Yên. Tại đây, đi khoảng 600m là đến đình Cúc Lùng.

          Cách 2: theo Quốc lộ 3 khoảng 6km đến đường tròn Tân Long, rẽ phải theo đường cao tốc mới Thái Nguyên - Chợ Mới khoảng 16 km đến UBND xã Phú Đô. Đến Uỷ ban nhân dân xã Phú Đô thì đi tiếp như trên.

          Đường đi đến di tích đã được đổ bê tông hoặc trải nhựa thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại.

3.PHÂN LOẠI DI TÍCH

Căn cứ tiêu chí tại Khoản 1, Điều 28 Luật Di sản văn hóa; Khoản 9, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Di sản văn hoá.

 Qua kết quả khảo sát, các tài liệu, hiện vật cho thấy đình Cúc Lùng thuộc loại di tích lịch sử.

4.SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH 

          Phú Đô là một xã miền núi nằm ở phía đông huyện Phú Lương, xã cách trung tâm huyện khoảng 18km. Xã có vị trí địa lý như sau: phía tây bắc giáp xã Yên Lạc (huyện Phú Lương); phía đông bắc giáp xã Văn Lăng (huyện Phú Lương); phía tây nam giáp xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); phía đông nam giáp xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ).

Xã Phú Đô là nơi tập trung sinh sống của 13 thành phần dân tộc[2], tỷ lệ người dân tộc thiểu số là 62% cụ thể: dân tộc Kinh 2.194 người (chiếm 38%); dân tộc Sán Chay 3.043 người (chiếm 52,7%); dân tộc Tày 112 người (chiếm 1.94%); dân tộc Nùng 176 người (chiếm 3.05%); các dân tộc khác 243 người (chiếm 4.21%). Các dân tộc được phân bố theo từng khu vực và mang trong mình những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây.

Hiện nay, xã Phú Đô bao gồm 14 xóm: Na Sàng, Phú Thọ, Phú Đô; Vu 1, Vu 2, Pháng 1, Pháng 2, Khe Vàng, Ao Cống, Cúc Lùng, Phú Nam Mới, Phú Nam 2, Phú Nam 3, Phú Nam 7.

Xóm Cúc Lùng có từ lâu đời. Người cao tuổi địa phương kể lại: “Trước năm 1871, xóm đã có những người Nùng ở Lạng Sơn đến khai hoang lập nghiệp nhưng về sau họ cũng chuyển đến nơi khác sinh sống. Đến năm 1871, có 4 gia đình gồm Hầu Văn Tài, Trần Văn Cói, Tý Văn Dậu, Hầu Văn Trứ đã đến đây sinh sống lâu dần trở thành cư dân bản địa. Khi các ông này đến đây thì đình làng đã có, họ tiếp tục tu sửa và thực hiện sinh hoạt từ đó đến nay. Những hộ gia đình này được nhân dân gọi là những người Sán Chay đầu tiên đến làng”. Đến nay, xóm Cúc Lùng có khoảng 100 hộ dân và đều là đồng bào dân tộc Sán Chay.

          Theo bản kê khai Thần tích – Thần sắc xã Phú Đô, tổng Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên do Lý trưởng xã Phú Đô, tổng Tức Tranh khai năm 1938 thì đình Cúc Lùng thờ thành hoàng làng “Cao Sơn Quý Minh Đại vương Tôn Kiêu sơn thần” - Thượng đẳng thần

          Các cụ cao niên trong làng cho biết vị Cao Sơn Quý Minh Đại vương Tôn Kiêu sơn thần chính là danh tướng Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý (TK XII)

          Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương thời nhà Lý, nay thuộc đất phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Sách Đại Nam nhất thống chí và các tư liệu dân gian cho rằng, ông sinh ra một gia đình nghèo khó, bố chết sớm, từ nhỏ đã phải tự hái củi, bắt cá để nuôi mẹ. Là một người thông minh, cần cù, hay giúp người nghèo khó nên ông được mọi người trong vùng mến phục.

          Ông được triều Lý giao trọng trách là Thủ lĩnh phủ Phú Lương - vùng biên giới rộng lớn khu vực phía Bắc nước ta, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, trước âm mưu lấn chiếm của bọn phong kiến phương Bắc. Là một vị Thủ lĩnh tài giỏi, đức độ nên ông là một trong những người nằm trong diện thực hiện chính sách “nhu viễn”. Đây là một trong những chính sách đối nội quan trọng được áp dụng đối với các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn nhằm rằng buộc đối với các vị thủ lĩnh người dân tộc, những người này không chỉ có thế lực về mặt kinh tế, quân sự mà còn được nhân dân địa phương tin tưởng.

          Sách Đại việt sử ký toàn thư[3] ghi chép: Năm 1127, nhà Lý gả Công chúa Diên Bình cho Thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh.

          “Năm Đại Định thứ 3, vua Lý Anh Tông sai Thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Uyên chiêu tập người châu ấy .

          Tháng 8, năm Đại Định thứ 4 (1143), do tài năng và có nhiều công lao, Dương Tự Minh được nhà Lý giao trông coi các công việc đường bộ và các khe động ven biên giới.

          Năm 1144, nhà Lý đã gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh phong ông làm Phò mã lang.

          Năm 1145, có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi cầu hiền tài cứu nước. Lúc này Dương Tự Minh xin gặp nhà vua để xung phong diệt giặc cứu nước. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. 

Gần 30 năm làm quan của triều nhà Lý, Dương Tự Minh đã có nhiều công lao trong việc giữ yên một vùng biên cương phía Bắc Đại Việt. Làm Thủ lĩnh Phủ Phú Lương, ông đã giúp nhân dân nơi đây có cuộc sống bình ổn và phồn thịnh. Chính vì vậy, sau khi ông mất, nhân dân một vùng rộng lớn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, có nhiều nơi dựng đền, đình, miếu thờ Dương Tự Minh là thần, là Thành hoàng làng, trong đó có đình Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương.

Sau này, các triều đại phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn ban sắc phong Dương Tự Minh là “Thượng đẳng thần”,  “Uy Viễn đôn tĩnh Cao Sơn Quảng độ chi thần”, “Cao Sơn Quý Minh đại nhân thần” .

Trong tâm thức của nhân dân, Dương Tự Minh đã trở thành một vị thành hoàng, một vị thánh để che chở, phù hộ cho cộng đồng cư dân được bình yên.

Hiện nay, trên mảnh đất Phú Lương còn rất nhiều huyền thoại về Dương Tự Minh như “Chiếc áo tàng hình”; sự tích “Ao chuông”, sự tích “Thánh đuổm trị tà”, sự tích “Sông Giang Tiên”….. Đây là những câu chuyện được thần thoại hoá để ca ngợi tài năng, tấm lòng hết mình cứu giúp nhân dân của Dương Tư Minh và hai nàng công chúa Diên Bình,Thiều Dung.

Đồng bào Sán Chay đến định cư trên địa bàn xã Phú Đô từ nửa cuối thế kỷ XIX. Trải qua nhiều thế hệ, để tồn tại và phát triển, họ đã tích lũy được một kho tàng tri thức địa phương và tập quán tộc người rất phong phú, đa dạng trong ứng xử với thiên nhiên. Họ có quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan tất cả các cây cối, sông, suối đều là thần linh và có vai trò rất quan trọng chi phối đời sống sinh hoạt và sản xuất. Chính vì vậy, cộng đồng nơi đây đã xây dựng nên những ngôi đình, miếu làm nơi thờ các thánh, thần và nhân dân địa phương đến thực hành tín ngưỡng và để tạ ơn các vị. Vì vậy, cùng với thờ danh tướng Dương Tự Minh, đình Cúc Lùng thờ các vị thần là: Ông Công Hà Bá; Thần Nông, Thổ kỳ; Cây đa bóng mát đại nhân thần.

          Vùng đất Cúc Lùng có dòng sông Cầu uốn lượn xung quanh, có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân. Xưa kia, sông Cầu cùng với bến đò Cúc Lùng là nơi diễn ra các hoạt động giao thương buôn bán bằng đường thuỷ giữa xã Phú Đô với các bên tả ngạn Sông Cầu thuộc huyện Đồng Hỷ. Sông Cầu cũng là nơi đánh bắt cá và cung cấp nước cho hoạt động nông nghiệp. Với quan niệm Hà Bá là vị thần cai quản sông nước nên nhân dân địa phương thờ vị thần trong đình Cúc Lùng. Vị thần này sẽ điều hoà cho nước dưới sông hiền hoà không gây lũ lụt, nước trên trời rơi xuống đúng lúc để người dân có thể canh tác trên đồng ruộng được thuận lợi, có mùa màng bội thu.

          Thần Thổ kỳ là vị thần cai quản đất đai, bảo trợ sự bình an, yên ổn cho dân làng. Nên Nhân dân trong vùng xây miếu thờ Thần Thổ kỳ trong khuôn viên đình.

5.KHẢO TẢ DI TÍCH

          Con đường dẫn đến xóm Cúc Lùng, đình Cúc Lùng quanh co bên dòng sông Cầu thơ mộng cùng với những dải đồi chè xanh ngắt là những đặc trưng của cảnh quan không gian nơi đây.

          Từ xa, đình Cúc Lùng toạ lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng, dưới tán nhiều cây cổ thụ thuộc xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô với một không gian cổ kính và tĩnh mịch, yên bình.

          Tại thời điểm lập hồ sơ khoa học chưa tìm được tài liệu xác định thời gian khởi dựng của đình Cúc Lùng. Thông tin từ các cụ cao tuổi trong làng cho biết có thể đình được xây dựng từ trước năm 1871 vì khi 4 gia đình ông đến sinh sống trong khu vực này thì đã có đình.

          Từ năm 1871 đến nay, đình đã trải qua 3 lần đại trùng tu vào năm 1968, năm 1991 và gần đây nhất là năm 2007. Nhân chứng địa phương cho biết: “Trước kia đình có 4 cột cái to, đường kính khoảng 1m làm bằng gỗ xoan, được chia thành 3 gian, thượng cung làm bằng gỗ và có cầu thang “độc mộc” đi lên. Thượng cung thường ngày sẽ đóng cửa chỉ mở cửa vào các ngày lễ. Đình có hệ thống sàn ở hai bên để quan khách ngồi dự lễ, khi quan viên hành lễ sẽ thực hiện ở gian giữa”. Đến năm 1991, nhân dân địa phương tu sửa đình. Hiện nay, trong đình còn 8 cột gỗ là kết quả của công cuộc trùng tu năm 1991.

          Hiện nay, đình Cúc Lùng thuộc thửa đất số 328, 460, loại đất TIN, thuộc tờ bản đồ số 73, bản đồ địa chính xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Đình có các vị trí tiếp giáp như sau:

          Phía bắc giáp thửa đất số 454 loại đất giao thông

          Phía nam giáp thửa đất 393;394;394,405.

          Phía tây giáp thửa đất số 347; 369.

          Phía đông giáp đường bê tông. 

          Đình Cúc Lùng được xây dựng theo lối truyền thống, bố cục mặt bằng kiểu chữ Nhất, tường xây gạch, bộ khung mái kiểu vì kèo. Đình có hướng chính là hướng nam trông ra dãy núi “Tời Pho”, phía sau đình là Núi Kính (nay gọi là Núi Hích) và dòng sông Cầu uốn lượn xung quanh.         Đình có diện tích khoảng 50m2, chia thành 5 gian, chiều rộng 12 m (gian thứ nhất rộng 2,1m; gian thứ hai rộng 2,29m; gian chính giữa rộng 2,3m. gian thứ tư rộng 2,3m, gian thứ năm rộng 2m) và chiều sâu 7m.

          Khoảng cách từ nền đình đến thượng lượng 4,4m. Từ nền đình đến quá giang 4,1m.  Hiên rộng 2 m. Đình có hệ thống mở không có cửa.

          Kết cấu nhà xây gạch vữa, tường chịu lực, khung mái bằng sắt, lợp proxi măng.

          Bàn thờ làm bằng bê tông, xây liền vào tường. Ban thờ gian giữa cao 1,1m; dài 3,3 m, rộng 2,3m.

          Ban thờ chính  thờ Dương Tự Minh; gian bên phải thờ Thần Nông (ở phía ngoài) và thờ ông Hầu Văn Tài - là người được dân làng suy tôn là người đầu tiên có công khai khẩn đất đai và ông Nông Văn Hiếu được coi là thợ cả tu sửa đình vào năm 1871.

Trong khuôn viên đình có ngôi miếu thờ thổ thần, Miếu Cô. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây gạo, cây dổi, cây sấu.... Theo nhân chứng cho biết, cây đa có từ lâu đời và gắn liền với ngôi đình.

6.SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

Đình Cúc Lùng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Cộng động người Sán Chay chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên các thời gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng sẽ phụ thuộc phần lớn với thời gian nông lịch. Việc thờ cúng thành hoàng và các vị thần linh được nhân dân địa phương coi trọng, nó là sợi dây gắn kết cộng đồng.

Trong thời kỳ chiến tranh các hoạt động lễ hội đình Cúc Lùng bị gián đoạn một thời gian do đình bị cháy. Sau khi đình được khôi phục thì nhân dân trong vùng tiếp tục tổ chức lễ hội. Người dân tin rằng khi tổ chức lễ hội bản làng được yên bình, mọi việc được thuận lợi.

Trong một năm, đình Cúc Lùng tổ chức các kỳ lễ như sau:

Lễ hội đình: ngày 12 tháng Giêng

Lễ Cầu an: ngày 2 tháng 2 Âm lịch

Lễ Cầu mùa: ngày 2 tháng 6 Âm lịch

Trong các kỳ lễ dân làng sẽ cử ra một ông cúng ở thổ kỳ và một ông cúng ở Đình(người cúng này được gọi chung là ông Tén và do nhân dân địa phương lựa chọn). Tiêu chí lựa chọn là những người cao tuổi, có uy tín, gia đình hoà thuận, đầy đủ. Trước khi thực hiện các nghi thức cúng thì kiêng kị nhất định với quan niệm “một người ăn chay cho cả làng”. Ông Tén là người có vai trò vô cùng quan trọng là người thay mặt dân làng giao tiếp với các vị thánh thần để gửi gắm đến các vị những nguyện vọng và mong muốn của cả làng. Trong việc chuẩn bị, tổ chức các nghi lễ, hội hè ngoài vai trò của ông Chủ Tén, các thầy cúng còn có những người giúp việc lo liệu việc cúng lễ chung của cả làng gọi là Thổ từ và Tường biện.

Thổ từ là người trông nom quét dọn miếu thờ, đình làng, lo liệu sắp xếp đồ cúng, bố trí, phân công nhân lực chuẩn bị cho việc cúng đình hoặc cúng miếu.

Tường biện là người lo tài chính, vận động và theo dõi việc đóng góp của các thành viên trong cộng đồng.

Chuẩn bị của các gia đình: Với mong muốn lễ hội được tổ chức thành công, tốt đẹp, nguyện vọng của nhân dân được thánh thần thấu hiểu, che chở và giúp đỡ các gia đình trong làng chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc tham dự lễ hội. Họ hồ hởi lựa chọn từ y phục, cho tới các lễ vật dâng cúng.

Chuẩn bị về địa điểm tổ chức lễ hội: Lễ hội được tổ chức tại đình Cúc Lùng. Trước ngày lễ, những người trông coi nơi đây tiến hành dọn dẹp ban thờ, dọn dẹp trong các di tích, làm vệ sinh sạch sẽ, cắt tỉa cây cối…dân làng cùng nhau chuẩn bị dọn dẹp đường đi lối xóm, quanh khu vực tổ chức lễ hội.

Lễ vật gồm lễ chay và lễ mặn là những sản vật của địa phương, phân bổ đều cho toàn dân trong làng cùng nhau đóng góp, giao cho người Sôn mua sắm, sửa biện, gồm có thịt gà, xôi, trầu cau, vàng hương. Trong các ngày lễ, ngày 12 tháng Giêng có thêm lễ vật là thịt lợn, lựa chọn 1 con lợn  sau đó làm sạch và chia thành từng phần để dâng lễ.

         Lễ vật dâng lên Thành hoàng gồm 3 con gà; Thần Nông: 1 con gà; Trong miếu Thổ kỳ sẽ có 8 lễ đặt trên 8 bát hương vì đây là 8 tướng quân đánh giặc bị chết và nhân dân thờ cúng. 8 vị tướng gồm:

  1. Đèo Cao ba quân Lý Tam công

  2. Tần mần suốt hình

  3. Hoàng tam Công, vợ là Mạn Bẩy nương

  4. Cây cao bóng mát mục tinh đại thần

  5. Núi Hích quận công Lý Tam công

  6. Lương Tam công (vợ là Lương Tam nương)

  7. Lê Tam Công

  8. Mỏ son quận công cốc vàng tam công

Đây là các vị tướng quân đánh giặc bị chết và trôi xuống khu vực này, thân thế các vị tướng này không ai còn lưu truyền. Nhưng người dân tin rằng khi thờ cúng họ thì xóm làng được yên bình nên vẫn duy trì thờ cúng từ xưa đến nay.

 Bên cạnh lễ chung của cả làng thì mỗi gia đình sẽ chuẩn bị 1 lễ và cử 1 người chủ gia đình là nam giới dâng lễ lên thành hoàng làng.

Trong các kỳ lễ thì chỉ trong dịp lễ hội đình ngày 12 tháng Giêng tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian đặc trưng của dân tộc như ném còn. Sau khi phần Lễ kết thúc, ông chủ Tén xin phép thành hoàng làng cho khai hội và ông sẽ là người tung quả còn đầu tiên, sau đó, người tham gia lễ hội sẽ bắt đầu trò chơi tung còn.

Các cụ cao tuổi trong làng kể lại: “Xưa kia, để được là người cấy lúa đầu tiên thì gia đình phải sắm lễ gồm 3 con gà dâng lên thần Nông thì mới được cấy khai mùa. Sau này, đông dân thì không thực hiện nữa”.

Nội dung cúng cơ bản như sau: và xin lại.

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật”

Cắn rơm cắn cỏ nay là Tòng Hoá phủ, Phú Lương huyện, Sơn Cẩm tổng; Phú Đô xã, Cúc Lùng thôn. Năm nay thái tuế Nhâm Ngọ niên nhị nguyệt, sơ nghị nguyệt, các cụ quan viên trong làng, trong xóm, nhớ ngày đại lễ, đầu năm tiểu thủ, lòng thành biện có sôi, gà, 3 con kim ngân vàng bạc, trầu cau, bát nước đáo tại cửa đình, vọng lệ thượng tiến, thờ phụng 3 vị thần thánh,

Cao Sơn Quý Minh đại nhân thần

Ông Công hà bá đại nhân thần

Cây đa bóng mát đại nhân thần

Tam thập lục quận công; thất thập nhị anh hùng; hoàng nhị công.

Lai lâm Bóng chiểu, bóng hạ, thần đài, đồng đài, đồng  toạ, đồng thực, ra xem ăn xem uống, ăn no uống say, phù hộ cho các cụ quan viên trong làng, trong xóm. Đầu năm chí cuối, cuối năm chí mùa già được mạnh khoẻ, trẻ được bình yên chân cứng đá mềm, ăn nên mới nổi, bách niên giai lão, phù hộ tăng gia sản xuất, lúa ngô khoai sắn, đậu lạc, reo rau để cho lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu, phong đăng hoả cốc, phù hộ cho chăn nuôi, gia súc, trâu, dê, bò, lợn, lừa, ngựa, ngỗng, gà hay ăn chóng lớn, thóc gạo đầy đống, gia súc đầy chuồng, mạnh khoẻ, đại sự các cụ trong làng, trong xóm, tín nhiệm là tiến chủ….đến vụ, đến khoá, được ra, hầu hạ, các ngài, nay tiến chủ, con con, thay mặt các cụ quan viên xin lấy nhất âm, nhất dương để mà thượng cổ,bình yên khang thái.

Các nghi thức diễn ra lễ hội như:

Nghi thức mời các Thành hoàng làng, thổ thần, thổ địa xuống chứng giám cho dân làng.

Ông Tén thay mặt dân làng mời thổ thần thổ địa xuống chứng giám cho ngày lễ của dân bản với nội dung chủ yếu báo cáo với thần lình hôm nay làng xóm bà con đều đồng tâm nhất trí dâng lễ phúng tiến các ngài để mời các ngài xuống chứng giám và mong các ngài hãy phù hộ độ trì cho dân làng để làm ăn phát tài lúa tốt bằng khoai, khoai tốt bằng đầu, quốc thái dân an. Cúng xong, ông chủ Tén xin ý kiến của các Thánh thần thông qua việc gieo quẻ âm dương 3 lần với quan niệm chỉ khi thần linh đồng ý thì mọi ước nguyện mới thành. Mỗi lần xin ý kiến, ông chủ Tén vừa khấn vừa tung đôi thẻ làm bằng mẩu tre (Cáo chay). Nếu “sliu cáo” (1 úp 1 ngửa) tức là các thần đồng ý và ông chủ Tén sẽ dâng rượu. Trường hợp “dâm cáo” hoặc “dâng cáo” thì ông chủ Tén cáo lỗi và xin khất với thần linh và làm lại những động tác như trên đến khi nào đạt kết quả thì dừng lại. Tuy nhiên, ta thấy qua các kỳ lễ hầu như không phải làm lại vì ý đây là một yếu tố thiêng nên mỗi người dân khi tham gia lễ hội đều có ý thức giữ mình, răn dạy con cháu làm những điều tốt nên lễ hội diễn ra thuận lợi, linh thiêng đúng như từ xưa truyền lại.

Tiếp đến nghi thức “nập dợm” (dâng hương) sau khi dâng hương xong sẽ nạp gà.

Sau khi dâng lễ xong, ông Chủ Tén sẽ đọc bài cúng hạ cỗ có nội dung như sau:

“Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật”

Cắn rơm cắn cỏ nay là Tòng Hoá phủ, Phú Lương huyện, Sơn Cẩm tổng; Phú Đô xã, Cúc Lùng thôn. Năm nay ………, ……., các cụ quan viên trong làng, trong xóm, nhớ ngày đại lễ, đầu năm tiểu thủ, lòng thành biện có sôi, gà, 3 con kim ngân vàng bạc, trầu cau, bát nước đáo tại cửa đình, vọng lệ thượng tiến, thờ phụng 3 vị thần thánh,

Cao Sơn Quý Minh đại nhân thần

Ông Công hà bá đại nhân thần

Cây đa bóng mát đại nhân thần

Tam thập lục quận công; thất thập nhị anh hùng; hoàng nhị công.

Lai lâm bóng chiểu, bóng hạ, thần đài, đồng đài, đồng  toạ, đồng thực, ra xem ăn xem uống, ăn no uống say, phù hộ cho các cụ quan viên trong làng, trong xóm. Đầu năm chí cuối, cuối năm chí mùa già được mạnh khoẻ, trẻ được bình yên chân cứng đá mềm, ăn nên mới nổi, bách niên giai lão, phù hộ tăng gia sản xuất, lúa ngô khoai sắn, đậu lạc, reo rau để cho lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu, phong đăng hoả cốc, phù hộ cho chăn nuôi, gia súc, trâu, dê, bò, lợn, lừa, ngựa, ngỗng, gà hay ăn chóng lớn, thóc gạo đầy đống, gia súc đầy chuồng, mạnh khoẻ, đại sự các cụ trong làng, trong xóm, tín nhiệm là tiến chủ….đến vụ, đến khoá, được ra, hầu hạ, các ngài, nay tiến chủ, con con, thay mặt các cụ quan viên xin lấy nhất âm, nhất dương để mà thượng cổ,bình yên khang thái”.

7.THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Đình Cúc Lùng được đưa vào danh mục kiểm kê năm 1996 và tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì giao cho UBND xã Phú Đô quản lý, khai thác và bảo vệ.

Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền và nhân nhân dân trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; vai trò của chủ thể di sản ngày càng được phát huy. Nhân dân ngày càng quan tâm, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại cộng đồng.

Để bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá đình Cúc Lùng, UBND xã Phú Đô đã hướng dẫn, chỉ đạo và  phối hợp với cộng đồng địa phương quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá, Tín ngưỡng tôn giáo và các quy định khác có liên quan.

  1. HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH

Tại thời điểm khảo sát lập hồ sơ khoa học, các hiện vật trong di tích đều mới được mua sắm hoặc được công đức những năm gần đây, gồm các hiện vật như bát hương, ngai thờ, lọ hoa và các đồ thờ khác.

9.PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ

         Chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường như: Luật Di sản hóa, các văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành Trung ương…

         Tập trung các nguồn lực để đầu tư hiệu quả công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tăng cường công tác xã hội hoá, huy động sự đóng góp các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ di tích như: hệ thống cấp nước, thoát nước, nhà vệ sinh, điện chiếu sáng,…Các hạng mục hạ tầng phụ trợ cần được thiết kế, quy hoạch đồng bộ, hài hoà với cảnh quan xung quanh.

         Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di tích đến nhân dân và du khách bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng. Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch tại di tích để giới thiệu, tôn vinh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích đến nhân dân và du khách. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu tiềm năng, giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến nhân dân và các nước trên thế giới, nhằm thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên.

         Ban Quản lý di tích thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham quan, nghiên cứu, học tập và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, bảo quản, tu bổ hợp pháp tại di tích theo quy định của pháp luật.

Cùng với Đền Đuổm, di tích danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia, đình Cúc Lùng và hệ thống các di tích thờ Dương Tự Minh trở thành một chuỗi những điểm đến du lịch tìm hiểu vê văn hoá, phong tục đặc trưng của người dân nơi đây gắn liền với những văn hoá đặc trưng của dân tộc.

         Tuy nhiên, có thể thấy so với lợi thế về vị trí địa lý cũng như những giá trị lịch sử văn hoá kết hợp cùng cảnh quan môi trường xung quanh thì trong thời gian qua, đình Cúc Lùng chưa thực sự phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế của vùng miền trong việc phát triển du lịch, nhiều nghi thức truyền thống trong lễ hội, nhiều trò chơi dân gian đã bị thất truyền, làm mất đi tính độc đáo và bản sắc văn hoá riêng của lễ hội. Vì vậy, để có điều kiện bảo tồn và phát triển lễ hội đình Cúc Lùng tốt hơn nữa trở thành một điểm đến vừa có tính độc đáo vừa mang bản sắc văn hoá của cộng đồng người Sán Chay nơi đây, thì việc nghiên cứu, phục dựng các nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương tạo sản phẩm phục vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và du khách là việc làm vô cùng cần thiết đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở việc bảo tồn, tôn tạo giá trị di tích mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức sống của di sản.

Nghiên cứu xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở xã Phú Đô bởi ở đây có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, về văn hoá phong tục tập quán về vị trí giao thông thuận lợi. Theo thống kế, hiện nay, trên địa bàn xã Phú Đô có khoảng 30 nhà sàn của người Sán Chay. Nhân dân nơi đây rất thân thiện và hiếu khách, thuận lợi kết nối với những điểm di tích trên địa bàn huyện. Với những lơi thế như trên, đây sẽ trở thành tài nguyên du lịch văn hoá truyền thống góp phần phát triển kinh tế văn hoá xã hội của địa phương.

Thành lập Ban quản lý di tích để quản lý, chăm sóc và bảo vệ , phát huy giá trị tốt hơn ngay sau khi di tích được xếp hạng.

10.GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu về Đình Cúc Lùng chúng ta hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung, truyền thống lịch sử địa phương nói riêng. Đình làng lưu giữ bao kỉ niệm, ân tình của mỗi người dân trong làng, ghi lại những tư liệu lịch sử, chiến tích anh hùng của nhân dân về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương. 

Đình Cúc Lùng thờ danh tướng Dương Tự Minh, người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung báo quốc, chuộng nghĩa khí, chống gian tà. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là biểu tượng tượng trưng cho tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong buổi đầu xây dựng quốc gia phong kiến Đại Việt. Nhân dân địa phương thờ ông, là tình cảm thiêng liêng của hậu thế đối với các bậc tiên liệt đã có những cống hiến lớn lao vào sự nghiệp gìn giữ nền độc lập và xây dựng tổ quốc phồn vinh thịnh vượng. Đó là sự thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” một trong những giá trị truyền thống bền vững và trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đình Cúc Lùng là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tổng hợp, đóng vai trò là không gian tâm linh - nơi phát khởi, bảo lưu, thực hành và trao truyền giá trị di sản văn hóa. Nuôi dưỡng và trao truyền qua nhiều thế hệ đạo lý tốt đẹp của dân tộc là tinh thần hướng về nguồn cội và tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa những người có công với dân, với nước. Khích lệ tinh thần sáng tạo trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đồng thời tạo nhiều cơ hội cho nhu cầu quảng bá và hưởng thụ giá trị văn hóa trong cộng đồng.Với tư cách là một không gian văn hóa công cộng, lễ hội góp phần quan trọng vào việc cố kết lòng người và cũng là dịp biểu dương sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc nói chung và cộng đồng cư dân địa phương nói riêng.

Hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Lương nói riêng là tài nguyên du lịch vô cùng quý giá góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.   

11.KẾT LUẬN

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009. Căn cứ Thông tư  09/2011/TT – BVHTTDL, ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Phú Lương, UBND xã Phú Đô lập hồ sơ khoa học trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định xếp hạng Đình Cúc Lùng là di tích lịch sử cấp tỉnh, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của di tích trước mắt và lâu dài.

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2872053